Tình trạng cá nhân, DN trong phạm vi lãnh thổ VN khi ký kết hợp đồng thường tính giá trị hàng hóa, dịch vụ căn cứ trên ngoại tệ, nhưng điều khoản thanh toán và thực tế thanh toán lại bằng tiền Việt Nam lâu nay rất phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng đô la hóa, pháp luật về ngoại hối đã có nhiều thay đổi nhưng chưa rõ nên lý giải còn khác nhau, gây tranh cãi… Nay, Bộ luật Dân sự 2015 hiệu lực vào đầu 2017, vấn đề càng được quan tâm.
Vậy đâu là những “cơ sở pháp lý để ngăn chặn” và đâu là “cơ sở pháp lý gây tranh chãi” sự việc bị vô hiệu hay không bị vô hiệu?
Khi nào vô hiệu…
Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 28/2005/PLUBTVQH “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Nhiều quan điểm cho rằng, việc thỏa thuận giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ bản chất là một nội dung của giao dịch, do đó, thỏa thuận giá bằng ngoại tệ giữa các DN, cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xem là vi phạm Pháp lệnh này và đương nhiên giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu theo Điều 128 Bộ Luật Dân sự năm 2005: Vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử khi giải quyết vụ tranh chấp có tình huống liên quan, nhiều quan điểm lại cho rằng việc thỏa thuận giá bằng ngoại tệ trong hợp đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 22 đã dẫn… Lý lẽ này còn được củng cố bởi “tinh thần” Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, các thẩm phán cho rằng giao dịch dân sự này không bị vô hiệu, tức nếu thỏa thuận giá bằng ngoại tệ trong hợp đồng nhưng thanh toán trên thực tế bằng đồng Việt Nam thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực…”
Nhưng ngày 18/3/2013 Quốc hội đã có Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH sửa đổi bổ sung Pháp lệnh 28/2005 theo hướng chặt chẽ và chi tiết hơn: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối. Sự quyết tâm của cơ quan lập pháp đã quy định thêm việc “định giá, ghi giá trong hợp đồng” bằng ngoại tệ sẽ bị cấm.
Cụ thể hóa quy định này, ngày 26/12/2013, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư 32/2013/TT-NHN không những không cho phép ghi giá trên hợp đồng bằng ngoại hối mà còn nêu rõ luôn cả trường hợp không cho phép kể cả dùng ngoại tệ với mục địch quy đổi.
Như vậy, kể từ 01/01/2014, thời điểm Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH bắt đầu có hiệu lực, mọi giao dịch hợp đồng của các tổ chức, cá nhân trong nước có thỏa thuận giá bằng ngoại tệ, kể cả mục đích dùng để quy đổi, đều vi phạm Pháp lệnh ngoại hối và bị vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự năm 2005 do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Trong một vụ kiện trọng tài giữa 2 DN của Việt Nam liên quann đến tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng được xác lập vào năm 2015 có thỏa thuận tiền hàng bằng USD nhưng điều khoản thanh toán và thực tế thanh toán bằng tiền đồng, Hội đồng trọng tài đã nhận định: “Mặc dù, tại Điều 1 của hợp đồng, các bên cũng đã thỏa thuận ghi chú Đơn giá và giá trị ghi trong đơn đặt hàng trên bằng ngoại tệ chỉ nhằm mục đích bình ổn giá trị đồng tiền trên thị trường thế giới và thị trường tiền tệ trong nước. Hai bên không thanhh toán bằng ngoại tệ mà phái thanh toán bằng Việt Nam đồng quy đổi theo tỷ giá áp dụng tỷ giá của ngân hàng Vietcombank tương ứng tại thời điểm nhận hàng và Nguyên đơn đã thực hiện chuyển khoản thanh toán tiền tạm ứng 30% giá trị các hợp đồng cho Bị đơn, nhưng Hội đồng trọng tài cho rằng việc ghị giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ như thỏa thuân của các bên trong hợp đồng đã vi phạm điều cấm (Điều 22 Pháp lệnh quản lý ngoại hối 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2013). Do đó, Hội đồng trọng tài có đủ căn cứ tuyên bố hợp đồng là vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005”.
Và không bị vô hiệu…
Tuy vậy, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 thì “giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu” (rõ hơn là “thì mới bị vô hiệu”). Chiếu theo Điều 123 này thì sắp tới, các hợp đồng tương tự sẽ không bị vô hiệu, do không vi phạm luật. Tại sao? Vì Pháp lệnh ngoại hối chỉ là văn bản dưới luật chứ không phải luật.
Nhự vậy, cá nhân, DN nào trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam “lờ” xác lập giao dịch thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng bằng ngoại tệ thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính được quy định ở khoản 6, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐCP, chứ không bị vô hiệu. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo đó được cụ thể là “giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” thì chủ thể vi phạm sẽ bị “phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng”.
Hơn nữa, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định về quyền được điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi khi các bên không có thỏa thuận. Trong khi, công cụ (neo giá theo tỷ giá ngoại tệ) được chủ động đưa vào hợp đồng ngay khi xác lập xem như một biện pháp điều chỉnh liên quan đến sự thay đổi của đồng tiền so với giá cả hàng hóa dịch vụ. Công cụ này được thừa nhận chính danh từ 1/1/2017 sẽ là căn cứ để các bến sử dụng khi giao kết, đảm bảo sự ổn định trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh phát sinh tranh chấp do một bên vịn vào cớ vô hiệu để không thực hiện hợp đồng gây bất lợi cho đối tác.
Cơ quan lập pháp không cần phải ngăn cấm việc thỏa thuận giá căn cứ bằng một ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam hay dùng tỷ giá một ngoại tệ nào đó cho phép tính quy đổi là phù hợp với nhu cầu thực tế.
LS. Châu Việt Bắc
Phó Tổng Thư ký VIAC